Những cái tát của mẹ đủ đau để chúng tôi nhận thức được lỗi lầm của mình. Chẳng đứa nào dám khóc trước mặt mẹ, phải chờ mẹ đi khỏi mới òa lên khóc rấm rứt.
Tôi cũng có tuổi thơ như bao đứa trẻ khác, và tất nhiên không ai có một ký ức hoàn hảo về tuổi thơ của mình cả. Tôi cũng vậy, tuổi thơ của tôi chỉ có nước mắt sau những cái tát của mẹ. Ấy vậy mà với tôi bây giờ thì đó lại là quãng thời gian yên bình và hạnh phúc nhất, dù bị đánh đòn tôi cũng cam chịu để được trở lại một lần thôi cũng được.
Trở thành bà mẹ đơn thân với ba đứa con nhỏ thơ dại khi mới 29 tuổi, mẹ tôi đã lăn lộn hết ngọn đồi này đến quả núi kia để hái măng, đốn củi kiếm cái ăn hàng ngày cho ba chị em tôi. Chỉ cần có thứ bỏ vào miệng thôi là qua cơn đói rồi và chị em tôi lập tức nín khóc ngay, chứ đừng nói đến những món ăn ngon.
Mẹ tôi không may mắn sinh ra trong một gia đình đông con ở một vùng quê nghèo nàn, lạc hậu, quanh năm chỉ có cây sắn, củ khoai mà cái đói vẫn cứ hoành hành cả ngôi làng tội nghiệp. Có nhà nghèo khó quá không nuôi nổi con, phải dứt ruột bán một đứa cho người thành phố đế lấy tiền nuôi những đứa khác. Có người ác miệng khuyên mẹ tôi nên bán một đứa đi cho đỡ khổ, nhưng làm sao mẹ tôi làm thế được chứ? Chúng tôi là con của mẹ tôi, mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày cơ mà. Và rồi mẹ đã đánh đổi tất cả để lo cho chúng tôi có cái ăn, cái mặc hàng ngày.
Hoàn cảnh gia đình tôi lúc ấy chẳng khác chị “Chị Dậu” là mấy, nhưng mẹ tôi còn kém may mắn hơn là không có người đàn ông cùng chia sẻ những khó khăn, cực khổ. Một mình mẹ đã phải gồng mình lên chống chọi với cuộc sống hà khắc, mẹ chịu đói, chịu khát, chịu mọi đắng cay khổ cực và những lời đàm tiếu của xã hội để bảo vệ chúng tôi. Chị em tôi lớn lên trong sự bao bọc của mẹ, mẹ là người bản lĩnh, vừa dịu dàng đúng nghĩa như một người mẹ hiền lại vừa nghiêm khắc, nóng tính như một người cha. Mỗi khi chị em tôi bất hòa, cãi nhau là mẹ lại lôi đứa có tội ra tát một cái vào mặt hoặc lấy roi quất vào mông. Những cái tát của mẹ đủ đau đớn để chúng tôi nhận thức được lỗi lầm của mình. Chẳng đứa nào dám khóc trước mặt mẹ, phải chờ mẹ đi khỏi mới òa lên khóc rấm rứt.
Ngày ấy, tôi sợ mẹ lắm, vì mẹ hay đánh đòn. Tôi là đứa con gái ngang bướng từ nhỏ nên thường bị đòn nhiều nhất. Kỳ lạ là mẹ càng đánh tôi thì tôi lại càng không khóc, nhưng tôi biết từ sâu thẳm thâm tâm mẹ đau lắm, đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng ngược lại, tôi là đứa học giỏi nhất nhà, niềm động viên duy nhất đối với mẹ là mỗi lần đi họp phụ huynh, tôi đều nhận được giấy khen và được tuyên dương trước toàn trường. Mẹ tự hào về thành tích học tập của chị em tôi, mẹ hãnh diện với dân làng lắm, đi đến đâu cũng được mọi người khen, niềm hạnh phúc ấy không che giấu được trong đôi mắt của mẹ.
Tôi học giỏi và lại là cán bộ lớp, nhưng lại thường xuyên bị cô giáo nhắc nhở đóng tiền học phí muộn nhất. Tôi xấu hổ vô cùng. Khi ấy, tôi giận mẹ lắm, tại sao chỉ có ba mươi nghìn đồng tiền xây dựng cả năm học thôi, vậy mà mẹ cũng không bao giờ cho tôi đóng đúng thời hạn cả. Tôi xấu hổ với đám bạn trong lớp, tôi bị chúng nó chê cười, mỉa mai đủ kiểu. Chính những tác động vô tình ấy đã khiến tôi trở thành một đứa con gái ích kỷ, vô lễ. Tôi ghét mẹ trong chính thâm tâm của mình, vì mẹ đã làm tôi mất thể diện với bạn bè. Dần dà, tôi trở nên khó tính hơn, hay đòi hỏi mẹ phải thế này, thế kia. Vì tôi học giỏi nên tôi có quyền đòi hỏi, tôi nghĩ thế. Và tất nhiên, mẹ chẳng bao giờ từ chối những yêu cầu của tôi nếu những điều đó liên quan tới việc học.
Tôi ghen tỵ và đố kỵ với chị gái và em trai khi thấy mẹ ưu ái hai người họ hơn. Mẹ nói chị tôi vất vả hơn, phải làm nhiều công việc khác giúp mẹ, còn em tôi thì nó là con trai lại ít tuổi hơn, nên tôi phải nhường nhịn em. Mẹ đã đúng, nhưng cái tính ích kỷ trong lòng mình không cho phép tôi được thoải mái. Tôi luôn hậm hực với chị em của mình, chưa bao giờ tôi cảm thấy yêu thương họ thật sự cả. Tôi sống khép kín hơn và hầu như chẳng bao giờ chịu chia sẻ với ai. Thấy tôi sống trái tính, trái nết, mẹ không hài lòng nên lại lôi tôi ra đánh đòn. Và mỗi lần như vậy tôi lại ghét mẹ, ghét và sợ những trận đòn roi từ mẹ. Tôi cũng xấu hổ với chị và em tôi vì tại sao chỉ mình tôi bị đòn còn họ thì không?
Tôi từng có suy nghĩ muốn bỏ đi thật xa để trốn chạy cái gia đình này, trốn chạy những trận đòn của mẹ tôi và hơn hết là tôi không muốn sống nghèo khổ như thế. Chính vì sự bần hàn, thiếu thốn lúc bấy giờ nên tôi mới sinh ra cái tính ích kỷ và những suy nghĩ tiêu cực khác.
Rồi cũng có một ngày tôi được toại nguyện với ước muốn của mình. Năm lớp 10 tôi chuyển lên thành phố học và ở trọ cách nhà 30 km, mỗi tháng chỉ phải về nhà một lần xin trợ cấp từ mẹ hoặc mẹ nhờ người trở lên thăm tôi. Lúc này gia cảnh nhà tôi cũng chẳng khá hơn là bao, bởi chị gái đang học đại học ở Hà Nội, còn em trai tôi cũng đã học lớp 8. Một mình mẹ cáng đáng việc ruộng đồng, nương rẫy, làm thuê làm mướn để hàng tháng có tiền gửi cho chị em tôi đóng học và sinh hoạt.
Mẹ là thế, chịu bao cơ cực cũng chẳng bao giờ hé môi tham vãn một lời nào. Mẹ không chỉ là người sinh ra chị em tôi, mà còn là người dìu dắt chúng tôi bước qua những thăng trầm của cuộc sống. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, mẹ cũng luôn sát cánh bên chúng tôi, là niềm động viên tốt nhất cho chị em tôi vững bước vào đời.
Khi đã đến tuổi trưởng thành, mẹ không còn dùng đòn roi để trừng phạt chị em tôi nữa, thay vào đó là những lời động viên, khuyên bảo nhẹ nhàng đầy nhân văn mà ở trường lớp thầy cô chưa từng truyền tải cho tôi. Tôi dần thay đổi suy nghĩ và lối sống của mình, tôi thấy nhớ mẹ hàng đêm và cảm thấy vô cùng có lỗi với mẹ vì đã từng sống ích kỷ. Có lần vì nhớ mẹ quá, tôi đạp hơn 40 km đường quốc lộ và hơn 7 km đường đất để về nhà bằng chiếc xe đạp mini cũ. Chiếc xe này mẹ xin được của một người chị họ, và đó cũng là món quà lớn nhất mẹ tặng khi tôi bước chân vào học cấp 3.
Về đến nhà, tôi nhìn mẹ đang hì hụi nấu cơm trong bếp, ánh sáng lập lòe của chiếc bóng đèn sợi đốt 25W hòa lẫn vào những làn khói bếp đang lan tỏa khắp căn nhà lá, bóng dáng mẹ tôi lu mờ trong màu ánh sáng yếu ớt ấy. Mẹ quay lại nhìn thấy tôi và nở nụ cười rạng rỡ, mẹ nói “chờ con về mẹ mới dám bắt gà thịt đấy”. Mẹ vừa đưa bàn tay lem luốc lên dụi dụi lại đôi mắt đang nhòe đi vì khói bếp vừa tươi cười nói với tôi. Tôi vốn là đứa lì lợm, dù trong lòng xúc động lắm, chỉ muốn ào tới ôm lấy mẹ mà khóc thôi. Vì nhớ mẹ nên tôi mới đạp xe về mà và đã tôi vượt cả đoạn đường đồi núi hoang vắng để về đây gặp mẹ. Vậy mà giây phút ấy, tôi chỉ biết đứng chôn chân tại chỗ quan sát mẹ một cách lặng lẽ.
Ngày tôi đi, mẹ móc trong túi áo ra đếm được ba mươi hai nghìn đồng lẽ, rồi dúi vào tay tôi và nói “Tuần này mẹ chỉ có bằng này thôi, con cầm lấy tiêu tạm rồi mẹ lại gửi lên sau cho”. Tôi ngậm ngùi cầm nắm tiền lẻ vẫn nguyên trạng nhàu nhĩ nhét vội vào túi sách, rồi dắt xe quay mặt đi. Nước mắt tôi rơi, con đường phía trước bỗng trở nên mờ ảo không nhìn thấy rõ. Giây phút ấy tôi không dám nhìn thẳng vào mắt mẹ, tôi sợ sẽ bật khóc ngay tức khắc và mẹ sẽ lại phải suy nghĩ về tôi.
Sự dịu dàng, vỗ về của mẹ đã cảm hóa con người tôi, đã dạy cho tôi biết bao bài học đắt giá về tình mẫu tử. Ngay cả khi tôi đã trở thành một người thành đạt với công việc của mình, mẹ vẫn giữ nguyên sự dịu dàng và lòng bao dung ấy. Tôi thèm muốn và khát khao lắm được trở lại những ngày bị mẹ đánh đòn, bị la mắng. Vì chỉ những ngày tháng ấy, tôi mới thực sự được sống bên mẹ, được cùng mẹ trải qua những khó khăn, đói khát hàng ngày. Mẹ đã cho chị em tôi cuộc đời, một cuộc đời đúng nghĩa và ý nghĩa, nhưng tiếc rằng chúng tôi lại không thể ở gần mẹ hơn được. Vì cuộc sống, vì sự nghiệp mà bốn mẹ con bốn nơi khác nhau, chỉ có ngày lễ Tết mới có dịp đoàn tụ bên nhau được dăm ba ngày, rồi lại mỗi đứa một nơi lên đường và xa mẹ.
Chưa một lần tôi nói “con yêu mẹ”, nhưng từ sâu thẳm lòng mình, mẹ đã là một thần tượng duy nhất của lòng tôi. Cảm ơn những cái tát của mẹ và cảm ơn cả sự dịu dàng bao dung của mẹ đã cho tôi có được ngày hôm nay. Tôi chỉ mong có một ngày được về sống bên mẹ, bình yên, nhẹ nhàng và ấm áp với căn nhà lá ở vùng núi xa xôi ấy - nơi tôi có mẹ.
Nguyễn Như Tâm
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét